Sản xuất Cô gái có hình xăm rồng (phim)

Lên ý tưởng và kịch bản

Cuốn tiểu thuyết Cô gái có hình xăm rồng của tác giả Stieg Larsson đạt được thành công lớn khiến các nhà làm phim Hollywood có hứng thú trong việc đưa cuốn sách lên màn ảnh. Điều này được thể hiện rõ hơn vào năm 2009 khi hai chủ tịch lúc bấy giờ của Sony Pictures là Michael Lynton và Amy Pascal có ý tưởng phát triển bản chuyển thể của Mỹ, một tác phẩm hoàn toàn không có sự liên quan tới bản chuyển thể của Thụy Điển phát hành cùng năm. Tính tới tháng 12 năm 2009, dự án có hai bước tiến quan trọng: Steven Zaillian, người vừa hoàn thành kịch bản cho Moneyball (2011), đảm nhiệm vai trò biên kịch cho bộ phim, trong khi đó nhà sản xuất Scott Rudin đã kí hợp đồng trao hoàn toàn bản quyền bộ phim cho Sony.[23] Zaillian chưa biết gì về cuốn tiểu thuyết cho đến khi được Sony và Rudin gửi cho một bản. Nhà biên kịch nhớ lại: “Họ gửi cho tôi cuốn sách và bảo, 'Chúng tôi muốn làm bộ phim này. Giờ ta cứ tính đến việc sản xuất một bộ phim đã. Có thể sau này sẽ có phần hai và phần ba, nhưng cứ tập trung làm phần đầu rồi tính.'"[24] Sau khi đọc cuốn sách, vị biên kịch không có thêm bất kì nghiên cứu nào ngoài phạm vi tác phẩm hay xem bản chuyển thể của Thuỵ Điển. [25] Fincher và cộng sự Cean Chaffin đã được giám đốc điều hành của Sony đề nghị đọc cuốn tiểu thuyết.[23][26] Vị đạo diễn cảm thấy kinh ngạc trước quy mô và thành công của loạt tiểu thuyết. Theo Gregg Kilday của The Hollywood Reporter, khi Fincher và Chaffin đọc cuốn sách, họ nhận thấy rằng tác phẩm có khuynh hướng "dẫn độc giả đi thăm thú vô vàn địa điểm nhỏ trên một hành trình lớn—từ đi sâu vào giải thích các kĩ năng trinh thám cho tới nặng lời chỉ trích những nhà tư bản công nghiệp suy đồi của Thụy Điển." Kể lại cảm xúc khi bắt đầu lật mở những trang sách, Fincher nói: "[Cuốn tiểu thuyết có] cái chất ly kỳ như đạn bắn điển hình của một câu chuyện tuyệt tác, và nó giống cá trích đỏ một cách kỳ lạ. Nó là chất xúc tác gắn kết Salander và Blomkvist, nhưng cũng chính mối quan hệ giữa họ mới là thứ khiến bạn lưu luyến mãi. Tôi cứ nghĩ mãi rằng không biết Zaillian sẽ cắt bớt đi 350 trang nào." Vì Zaillian vốn đã và đang viết kịch bản cho bộ phim nên Fincher đã tránh can thiệp vào quá trình này. Sau khi trò chuyện với Zaillian, Fincher cảm thấy rất yên tâm vì "cả hai có chung chí hướng".[23]

"Tôi mường tượng ra hình ảnh một cô gái cứ thoắt ẩn thoắt hiện như một bóng ma trên đường phố Stockholm dù có ngoại hình như thế... cứ như là [cô ấy] có một tấm khiên trường lực bao bọc vậy"

 — Steven Zaillian[27]

Quá trình viết viết kịch bản mất khoảng sáu tháng, bao gồm ba tháng ghi chú các chi tiết quan trọng và phân tích cuốn tiểu thuyết.[28] Zaillian cho biết tốc độ viết của ông tăng dần theo thời gian. Ông giải thích: “Khi bạn đưa ra quyết định, bạn sẽ phải loại bỏ tất cả cách còn lại mà sự việc có thể xảy ra. Vì vậy, mỗi quyết định bạn đưa ra đồng nghĩa với việc bạn đang cho ra đi rất nhiều những hướng mà câu chuyện có thể đi theo hay những gì mà nhân vật có thể làm."[28] Vì cuốn sách có dung lượng khá lớn nên Zaillian đã loại bỏ nhiều yếu tố của tác phẩm để phù hợp với thời lượng phim mà Fincher mong muốn.[28] Dẫu vậy, kịch bản của Zaillan vốn đã khá xa rời nguyên tác.[27] Dù luôn cảm thấy có chút lo lắng nhưng nhà biên kịch khẳng định ông "chưa bao giờ có chủ ý làm bất cứ điều gì cốt để làm hài lòng hay phật ý". Ông nói: "Tôi chỉ đơn giản là đang cố gắng hết sức để kể câu chuyện một cách hay nhất và rồi không nghĩ về điều đó nữa. Tôi không tạo ra bất kì sự thay đổi nào chỉ để hưởng lợi từ thay đổi đó. Tình tiết trong cuốn sách vẫn rất ổn, nhưng về phần đó [một chi tiết quan trọng của cuốn tiểu thuyết], tôi nghĩ rằng ta có thể tạo cho nó một hướng đi khác, và đó có thể sẽ là một bất ngờ thú vị đối với những người đã đọc cuốn sách." [27]

Zaillian đã thảo luận với Fincher về nhiều chủ đề trong loạt tiểu thuyết Millennium của tác giả Larsson. Họ đi sâu hơn vào các chủ đề đen tối của cuốn tiểu thuyết, chẳng hạn như những điểm khác biệt trong tâm lý của kẻ hiếp dâm và sát nhân. [29] Fincher đã quen với những chủ đề này qua việc chỉ đạo những dự án như Seven (1995) và Zodiac (2007). Zaillian nhận xét, "Một kẻ hiếp dâm nói chung và tên hiếp dâm trong cuốn tiểu thuyết nói riêng, chúng muốn áp đặt sự kiểm soát lên nạn nhân. Một kẻ giết người hàng loạt thì ưa hủy diệt; phá hủy một thứ gì đó mang lại khoái cảm cho chúng. Chúng không muốn kiểm soát, chúng muốn tiêu diệt. Hai kiểu tội phạm này tìm cảm giác mạnh bằng những cách khác nhau."[29] Fincher và Zaillian muốn khai thác nhiều chủ đề then chốt của cuốn tiểu thuyết mà tiêu biểu là chủ nghĩa kỳ thị nữ giới. "Chúng tôi cam kết thực hiện một bộ phim nói về bạo lực đối với nữ giới, về nhiều thể loại suy thoái, đều là những điều mà bạn không thể lảng tránh. Bạn cũng phải biết cân bằng để sao cho chỉ bằng bản năng, khán giả có thể cảm nhận được ngay sự cần thiết của các hành động trả thù, nhưng đồng thời họ cũng thấy được vai trò của các ý tưởng khác."[30] Thay vì sử dụng cấu trúc ba hồi điển hình trong phim ảnh, Fincher và Zaillian đã miễn cưỡng chọn cấu trúc năm hồi mà theo vị đạo diễn là "giống như rất nhiều tác phẩm truyền hình về đề tài cảnh sát."[31]

Quay phim

Stockholm, Thụy Điển là bối cảnh chính của Cô gái có hình xăm rồng.

Fincher và Zaillian đặc biệt chú trọng vào việc giữ nguyên bối cảnh của cuốn tiểu thuyết. Để tái hiện chân thực hình ảnh Thụy Điển trong mắt tác giả Larsson cũng như cái cách mà ánh sáng và bóng tối bao phủ lên cảnh quan nơi này, Fincher đã cộng tác với một đội ngũ sáng tạo, trong đó có hai thành viên đã từng cộng tác với ông trong The Social Network đó là quay phim Jeff Cronenweth và nhà thiết kế sản xuất Donald Graham Burt. Bộ phim được quay hoàn toàn bằng máy quay kỹ thuật số RED MX của công ty Red Digital Cinema Camera nhằm tái hiện lại sắc thái chủ đạo trong cuốn tiểu thuyết của Larsson. Theo Cronenweth, các nhà làm phim muốn sử dụng những nguồn ánh sáng khác lạ và tạo vẻ thực tế cho bối cảnh. "Vậy nên sẽ có bóng tối, sẽ có những chỗ không hoàn hảo, nhưng đó mới là thực tế. Ta mang vào phim thật nhiều bóng đen và bóng đêm, nhưng đồng thời ta cũng phải trộn lẫn những cảnh tương phản với sự tăm tối ấy để tránh việc cả phim chỉ toàn những hình ảnh nặng nề."[32] Khí hậu của Thụy Điển có đóng góp lớn trong việc định hình nên bầu không khí bao trùm bộ phim. Cronenweth nhận xét: “Khí hậu luôn âm thầm có mặt, và điều quan trọng là làm sao chính khán giả cũng cảm nhận được nó. Mùa đông giống như một nhân vật không lời thoại của bộ phim, phủ lên mọi vật một thứ ánh sáng lạnh và tối mờ, vừa hết sức êm dịu mà lại không rọi thẳng vào mắt."[32] Để làm quen với nền văn hóa của Thụy Điển, Burt đã dành một tháng đi thám hiểm khắp đất nước này. Về cuộc hành trình, ông nói: "Cần nhiều thời gian để có thể thực sự tiếp thu được các sắc thái của một nền văn hoá, để hiểu về các đề tài thường xuyên xuất hiện trong kiến trúc, cảnh quan, quy hoạch của các thành phố, cũng như tập quán của người dân. Tôi thấy mình phải thực sự hòa nhập vào nơi này để có thể hình thành nên thứ cảm nhận về nơi chốn nhằm phục vụ cho bộ phim. Cảm nhận ấy không đơn thuần chỉ là hiểu rõ các địa điểm về mặt vật lý mà còn là nhận thức về bản chất trong sự tồn tại của chúng, cũng như biết cách làm thế nào để thể hiện đời sống con người qua bản thiết kế của mình."[32]

Bộ phim bấm máy vào tháng 9 năm 2010 tại Stockholm, Thụy Điển.[33] Quá trình sản xuất chủ yếu diễn ra tại nhiều địa điểm thuộc quận kinh doanh trung tâm của thành phố, trong đó có Tòa án Stockholm.[34] Một trong những thử thách đặt ra đó là xây dựng nên khu nhà của gia tộc Vanger. Đoàn làm phim đã lựa chọn Hofsta, một toà dinh thự được xây dựng từ thế kỷ 18 theo lối kiến trúc Pháp, cách Stockholm khoảng 60 dặm (97 km) về phía tây nam. Tiêu chí của họ là một "trang viên Småland" điển hình, đầy uy nghiêm và "sặc mùi tiền cũ". "Người Thụy Điển rất giỏi xây dựng theo lối kiến trúc hiện đại và tối giản, nhưng họ cũng có những dinh thự vùng quê đối lập hoàn toàn với chốn thành thị hiện đại—dù vậy, cả hai đều toả ra mùi tiền."[35] Địa điểm ghi hình chuyển đến Uppsala trong tháng 10. Mặt tiền của các toà nhà thuộc dãy phố Drottninggatan được cải tạo để tái hiện Khách sạn Alder, bối cảnh của tấm hình chụp cũ giúp Blomkvist lần ra manh mối.[36] Từ tháng 12 trở đi, quá trình sản xuất bộ phim diễn ra tại thành phố Zurichcủa Thuỵ Sĩ, trong đó Khách sạn Dolder GrandSân bay Zurich là các phim trường.[37] Fincher cho rằng Zurich không thực sự là nơi phù hợp để quay phim vì thành phố này "quá đẹp".[38] Bộ phim đóng máy tại Oslo, Na Uy, với Sân bay Oslo, Gardermoen là một địa điểm ghi hình. Công đoạn quay phim tại đây kéo dài tới tới hơn 15 giờ, ngoài ra 12 diễn viên quần chúng đã được tuyển chọn.[39] Bộ phim cũng ghi hình ở Vương quốc Anh và Hoa Kỳ.[40]

Trong bộ phim, trước khi tra tấn Blomkvist, Martin đã nghe bài hát "Orinoco Flow" của Enya. Fincher nghĩ rằng Martin "sẽ không ra tay giết người và sẽ không muốn nghe tiếng la hét [của nạn nhân] mà chưa được nghe bài hát yêu thích của mình".[41] Craig đã ứng cử bài hát "Orinoco Flow" mà anh tìm thấy trên chiếc iPod. Fincher kể: “Bọn tôi đã cười lăn cười bò. [...] Anh ấy [Craig] reo lên, 'Orinoco Flow!' Cả đám ngơ ngác nhìn nhau kiểu, anh ấy vừa nói gì thế? [...] Tôi thầm nghĩ, chắc hẳn gã này sẽ biến Blomkvist thành một tay sành điệu lắm đây." [41]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Cô gái có hình xăm rồng (phim) http://www.zueritipp.ch/kino/kino/-Z-rich-ist-zu-s... http://insidemovies.ew.com/2011/12/22/the-girl-wit... http://popwatch.ew.com/2010/06/17/girl-with-the-dr... http://blogs.indiewire.com/thompsononhollywood/201... http://blog.moviefone.com/2010/04/01/david-fincher... http://social.entertainment.msn.com/movies/blogs/t... http://moviesblog.mtv.com/2010/07/21/the-girl-with... http://www.mtv.com/news/articles/1645813/rooney-ma... http://www.thedailybeast.com/blogs-and-stories/201... http://www.visualhollywood.com/movies_2011/girl_wi...